Trong lịch sử Mại dâm tại Việt Nam

Thời phong kiến, do kết cấu làng xã với hệ thống tôn ti chặt chẽ, quy chuẩn đạo đứcthuần phong mỹ tục nghiêm ngặt, nên mại dâm ở Việt Nam dường như không chính thức tồn tại. Các bộ luật Việt Nam thời phong kiến đều không thấy nhắc đến vấn đề này.[4]

Một số tác phẩm như Truyện Kiều lấy đề tài về kỹ nữ lầu xanh, nhưng thực ra Truyện Kiều lấy bối cảnh ở nhà Minh (Trung Quốc) chứ không phải Việt Nam.

Thời kỳ Pháp thuộc

Đĩ đánh bồng, thập niên 1900Cô đầu

Đến thời Pháp thuộc, chính sách khai thác thuộc địa của Pháp và sự du nhập kinh tế thị trường dẫn đến ra đời các đô thị. Nhu cầu mua dâm của thị dân và binh lính Pháp đóng tại các thành phố dẫn đến mại dâm xuất hiện và hình thành các nhà chứa nhiều tầm cỡ [4]. Vấn đề mãi dâm được báo chí đề cập đến lần đầu tiên là trên báo Phụ nữ tân văn ngày 12/12/1929.

Vào những năm 1930, vấn đề mại dâm ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Các báo đã mô tả tình trạng "lúc nhúc xóm bình khang, đầy rẫy phường bán phấn" trong các đô thị Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. "Nếu đi qua các ngõ Sầm Công ở Hà Nội, phố Hạ lý Hải Phòng, phố Bến Củi Nam Định... ta sẽ thấy một cảnh tượng đau lòng, một sự dâm ô đê tiện hơn hết trong sự mãi dâm, chắc không có nước nào mà mãi dâm lại đê tiện hơn mãi dâm ở nước ta: Họ ra tận đường phố lôi kéo khách hàng, họ nói những câu, hát những giọng khiêu dâm tục tằn..."[5]

Dưới chế độ thuộc địa, thực dân Pháp cho phép mại dâm công khai, vừa để kiếm tiền từ thuế vừa để làm thui chột truyền thống văn hóa Việt Nam. Trong xã hội nảy sinh hai loại gái mại dâm. Một loại có giấy phép hành nghề và phải nộp thuế cho chính quyền thuộc địa, một loại bán dâm chui mà báo chí thường gọi là loại "gái đi ăn mảnh", "gái lậu" (Lậu thuế). Hầu hết gái bán dâm ở Việt Nam thuộc loại không có giấy phép và tự kiếm khách, bởi đây là hành vi vô đạo đức nên cả người mua dâm lẫn người bán dâm thường không muốn lộ mặt công khai. Đối với người mua dâm, phần lớn cảm thấy xấu hổ khi chường mặt trước thiên hạ để vào các nhà chứa hợp pháp.

Tình trạng mắc bệnh hoa liễu trong gái mãi dâm rất cao. Năm 1933 ở Sài Gòn, một bệnh viện chuyên trị các bệnh hoa liễu đã phải chữa cho hơn 20.000 người. Một bệnh viện chuyên chữa bệnh lậu "một ngày không dưới 30 đàn ông đến chữa bệnh, đàn bà là 150 người" (chỉ là chữa bệnh lậu, chưa kể các bệnh khác). Ở bệnh viện Bạch Mai thì cứ 100 gái bán dâm, thì có đến 70 mắc bệnh. Còn ở Hà Nội cũng có khoảng 5000 gái bán dâm mà trong đó tới 99% mắc bệnh hoa liễu. Mại dâm là một vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Trong những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ 20, một biến tướng khác của mại dâm là "hát cô đầu" đã trở thành "một cái ung nhọt" của xã hội. Ở vùng ngoại ô Hà Nội năm 1938 có tới 216 nhà hát cô đầu và gần 2000 cô đầu. Henri Virgitti và bác sĩ B. Joyeux cho biết: ít nhất ở Hà Nội vào năm 1938 có khoảng 250 nhà hát cô đầu với khoảng 1.100 người và số gái bán dâm có từ 1500 tới 2000 người. Hầu hết trong số họ mắc bệnh hoa liễu. Còn ở Vinh, một thị xã nhỏ cũng có tới 8 nhà hát cô đầu với khoảng hơn 300 cô đầu. Nguyễn Doãn Vượng đã nhận xét về "hầu hết những kẻ đi hát bây giờ đều là thanh niên... do đó sự kém sút về sức khoẻ, sự truỵ lạc về tinh thần, những bệnh hoa liễu cũng từ đó mà về thăm gia đình và vợ con những thanh niên đó; lại còn bao nhiêu kẻ trong cơn mê muội đớn hèn lỗi đạo vì đi hát, ăn trộm, ăn cắp vì mê hát và khuynh gia bại sản vì những cô đầu hát"[6]

Trọng Quỳnh trên Đông Pháp năm 1940 đã phân tích quá trình "từ ngây thơ đến bán dâm" của một số cô gái quê" vì quá đua đòi "theo mới", kém suy nghĩ, yếu đạo đức, đã bỏ nhà ra đi và cuối cùng sa vào con đường lầm lạc. Bài báo vạch rõ sự cám dỗ của cuộc sống tiêu thụ nơi thành thị đã biến một cô gái quê trong trắng trở thành một cô gái làng chơi với những vũ trường, khách sạn, nhà hát...[7] Nhìn chung các ý kiến đều cho rằng: mại dâm phát triển là do nguyên nhân kinh tế, là sản phẩm của chế độ thực dân tư bản, nơi con người mờ mắt vì đồng tiền và hưởng lạc.

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã viết báo lên án: "Hai tệ nạn: Đa thê và mại dâm, nay được tổ chức theo kiểu châu Âu. Đây là đặc điểm của thực dân Pháp, vì ở các thuộc địa Anh, nạn đa thê bị huỷ bỏ và nạn mại dâm bị cấm", và "Nước Pháp núp sau lá cờ ba sắc tự do, bình đẳng, bác ái, đang đưa vào các thuộc địa của nó rượu, thuốc phiện, mại dâm và gieo rắc nghèo đói, lụn bại và chết chóc cho dân bản xứ bên cạnh sự giàu sang kiếm được bằng cách bất lương của nó"[8]

Ngay sau khi thành lập (năm 1930), Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương "chống chế độ đa thê, phản đối chính phủ Pháp duy trì và lợi dụng chế độ làm đĩ để thu thuế"[9] Vì vậy, trên các truyền đơn của Đảng thường đề ra các khẩu hiệu như: chống nạn mại dâm, vận động phụ nữ tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới văn minh, bình đẳng. Xoá bỏ nạn mại dâm trong xã hội được Đảng Cộng sản xem là một biện pháp để nâng cao địa vị xã hội cũng như tôn trọng phẩm giá của phụ nữ.[10]

Thời kỳ 1945-1975

Tại Hà Nội vào năm 1954 (trước khi Pháp rút đi), tài liệu cho thấy có khoảng 12.000 gái điếm làm việc trong 45 nhà chứa và 55 quán rượu, trong đó 6.000 đã đăng ký với chính quyền thực dân Pháp. Sau 1954, mại dâm trở thành bất hợp pháp và bị loại trừ phần lớn theo Điều 202 của Bộ luật Hình sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, hằng năm khoảng 300-400 người vẫn bị phát hiện có liên quan tới hoạt động này.[11]

Tại miền Nam Việt Nam, giữa những năm 1959 đến 1962, bà Trần Lệ Xuân đã cho đóng cửa hết tất cả các nhà chứa và phạt tiền các chủ nhà chứa, và do đó mại dâm có tổ chức dường như đã bị dập tắt. Tuy nhiên, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các tổ chức mại dâm lại nổi lên, và đến cuối thập niên 1960, đã có khoảng 32 nhà chứa tồn tại ở Sài Gòn.[11]

Trong giai đoạn 1960-1975, hàng triệu lính viễn chinh Mỹ ào ạt đổ bộ vào Việt Nam vào thời chiến tranh Việt Nam. Từ đó nở rộ các những chủ thầu cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho lính Mỹ, những người làm sở Mỹ... đến bọn ma cô, gái điếm, gái nhảy, gái tắm hơi... Sự phân hóa về kinh tế đó dẫn tới sự đảo lộn các giá trị đạo đức truyền thống. Người miền Nam thời đó có câu vè: "Thứ nhất sở Mỹ, thứ nhì gái đĩ, thứ ba ma cô, thứ tư tướng tá"[12].

Để "giúp vui" cho đạo quân viễn chinh, Mỹ - Thiệu cho phép mở cửa hàng loạt bar, phòng tắm hơi, hộp đêm, vũ trường và nhất là nhà thổ, hiện diện ở khắp Sài Gòn, đặc biệt là xung quanh các cư xá Mỹ. Mại dâm - gọi nôm na là "chợ heo" - được Việt Nam Cộng hòa công khai và hợp pháp hóa. Ước tính toàn miền Nam năm 1975 có trên 200.000 gái bán dâm.[13] So với số gái bán dâm trên toàn Việt Nam vào năm 2012 thì con số này cao gấp 7 lần, nếu xét về tỉ lệ dân số thì gấp 30 lần[cần dẫn nguồn]. Một quan chức Sài Gòn còn công khai phát biểu: "Người Mỹ cần gái, chúng ta cần đôla. Tại sao chúng ta phải hạn chế, đó là nguồn thu đôla vô tận".[14]

Năm 1966, từ Sài Gòn về, Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright nhận xét: "Mỹ đã biến Sài Gòn thành một ổ điếm".[15] Một tạp chí xuất bản ở Sài Gòn mô tả: "Tại chợ heo đó, hằng ngày có hai ba trăm người con gái Việt Nam đứng sắp hàng... cho lính Mỹ đến chọn dắt đi như một con vật. Với một nắm đôla trong tay, lính Mỹ thật là nhiều tự do: tự do phá hoại văn hóa Việt Nam"[12]

Chủ trương nói trên của Mỹ - Thiệu gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân. "Sự sa đọa, sự trụy lạc trong xã hội... đã gây ra biết bao thảm cảnh gia đình, bao nhiêu đổ vỡ hạnh phúc, bao nhiêu chuyện bi đát thương tâm..."[12]. Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét: sự tha hóa của đạo đức xã hội là một trong các nguyên nhân khiến chế độ Việt Nam Cộng hòa ngày càng mất lòng dân, cuối cùng sụp đổ hoàn toàn.[cần dẫn nguồn]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mại dâm tại Việt Nam http://www.boyvn.com/home/content/view/289/33/:: http://www.gocluatsu.com/VN/Default.aspx?case=deta... http://books.google.com/books?id=dciuj1-F3fYC&pg=P... http://www.healthtestingcenters.com/std-testing-bl... http://communities.washingtontimes.com/neighborhoo... http://www.colorado.edu/AmStudies/lewis/ecology/ch... http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2003/04/3b9c6e52... http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2012/05/nhung-ca... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/03/gai-mai-dam... http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/a-khoi-hai-...